Câu chuyện khởi nghiệp với 1%

Không biết tự khi nào chúng ta đã được gieo vào trong đầu rằng nếu đã làm thì chúng ta phải trở thành những con người “phi thường”. Rằng để thành công thì các bạn phải có ý tưởng lớn, phải có khả năng giải quyết được vấn đề cho triệu triệu người tiêu dùng, phải có khả năng scale một cách nhanh chóng đến những thị trường lớn hơn để “chiếm lĩnh” ngôi vị đứng đầu của một phân khúc nào đó, phải có rất nhiều các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư quan tâm. Nói ngắn gọn là phải “thay đổi cả thế giới” hoặc có “công ty triệu đô” thì mới xứng danh .

Những suy nghĩ và lập luận đó không sai, nhưng đó cũng không phải là suy nghĩ đúng cho mọi trường hợp, đặc biệt là với số đông các bạn trẻ đang ao ước ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, tự chủ kinh doanh của chính mình hiện nay.
Tôi muốn kể một câu chuyện mà chắc đa phần các bạn trẻ hiện nay may mắn được đi du học nhờ điều kiện kinh tế của gia đình sẽ nắm rất rõ. Đó là về quá trình khởi nghiệp của cha mẹ các bạn và chính cha mẹ của tôi.
Cách đây 30 năm, khi hầu hết thế hệ “vàng” của Việt Nam chúng ta chưa ra đời, thì cha mẹ chúng ta là những người khởi nghiệp đầu tiên sau chiến tranh. Họ khởi nghiệp không phải với một ý tưởng lớn, không phải để tìm ra giải pháp cho vấn đề triệu triệu người, không phải để làm một kế hoạch kinh doanh rực rỡ để được đầu tư, không phải để được những hào nhoáng từ báo chí về “thành công” trong khởi nghiệp. Theo tôi, họ khởi nghiệp vì đó là nhu cầu mưu sinh, là cái ăn, cái mặc, là vì sự sinh tồn.
Chính vì động lực đó mà tôi nghĩ đã khiến họ có khả năng thức khuya dậy sớm, không ngần ngại biết bao nhiêu khó khăn, sự nguy hiểm, sự thử thách để có thể ngày một ngày, tích góp từng thành công một, từng khách hàng và từng ngàn đồng để hình thành nên cơ đồ.
Họ làm việc với một đạo đức kinh doanh không hề mệt mỏi, với kim chỉ nam là chính sự sinh tồn của bản thân và gia đình. Họ làm việc chăm chỉ hàng ngày với một mục tiêu rằng, ngày mai, hy vọng gia đình của họ sẽ đủ ăn, đủ mặc, con cái được chăm sóc và lớn lên trong ấm no và hạnh phúc. Họ không bị xao nhãn bởi mạng xã hội, không bị phân tâm bởi quá nhiều sự lựa chọn, không bị quyến rũ bởi quá nhiều sự hào nhoáng trong thành công. Đối với họ, mục tiêu không phải là công ty triệu đô. Đó chỉ là kết quả của một quá trình khởi nghiệp. Đối với họ, 1% mỗi ngày mới là mục tiêu.
1% là gì? 1% là mục tiêu tiến bộ từ bản thân họ, từ sản phẩm, từ nhân viên, từ doanh thu, từ khách hàng, từ bất cứ thứ gì mà họ có thể làm tốt hơn mỗi ngày. Là một sự tích góp cộng dồn mà kết quả sẽ là cả một tài sản vô cùng lớn lao sau thời gian. Tôi chắc rằng, chính động lực 1% này của cha mẹ chúng ta là yếu tố lớn nhất để dẫn đến thành công của họ ngày hôm nay.
Nhân dịp năm mới, tôi muốn chia sẻ và thách thức các bạn trẻ cho 2016, các bạn có thể cùng tôi tích tiểu thành đại và “khởi nghiệp 1%” không?

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *